Trượt giá là một trong các hiện tượng đã trở thành vấn đề nan giải trong giới forex mỗi khi thị trường có những “cú hích” cực mạnh. Đối với một số trader, họ xem trượt giá là cơ hội trong giao dịch, số còn lại rất lo ngại khi trượt giá xuất hiện. Vậy trượt giá là gì? Làm thế nào để tránh trượt giá bất lợi cho trader?
Trượt giá là gì?
Trượt giá hay Slippage là hiện tượng giá kích hoạt lệnh (giá thị trường) không khớp với giá mong muốn khi vào lệnh do xuất hiện khoảng trống giá, khoảng trống đó được gọi là gap.

Trượt giá thường xuất hiện khi nào?
Hiện tượng trượt giá xuất hiện khi thị trường có biến động quá mạnh, có sự chênh lệch khối lượng giao dịch giữa phe bán và phe mua vào ngày thứ 2 – ngày mở bát các phiên giao dịch. Vì vào các ngày cuối tuần khi thị trường forex không hoạt động, các tin tức chính trị, sự kiện kinh tế quốc gia có sức ảnh hưởng lớn thường được công bố, thế nên áp lực thị trường quá lớn đổ dồn vào ngày đầu tuần, cộng với tính thanh khoản thấp nên hình thành các khoảng trống gap và xuất hiện tình trạng trượt giá.
Trượt giá là hiện tượng không thể thiếu trong forex trading, thế nhưng trượt giá cũng có tính hai mặt của nó, đôi khi có hại nhưng cũng có thể có lợi. Ví dụ:
- Trượt giá có hại
Giả sử trader muốn mua cặp tiền USD/CHF có tỷ giá 0.92363, nhưng lại bị trượt giá khiến lệnh kích hoạt ở mức 0.92603, như vậy trader phải mua ở mức giá cao hơn 24 pips so với mong muốn. Đây là hiện tượng trượt giá có hại.
- Trượt giá có lợi
Giả sử trader muốn mua cặp tiền USD/CAD có tỷ giá 1.38255, nhưng lại bị trượt giá khiến lệnh kích hoạt ở mức 1.37945, như vậy trader được mua ở mức giá thấp hơn đến 31 pips so với giá muốn mua ban đầu. Đây là hiện tượng trượt giá có lợi.
Tuy nhiên, trong giao dịch không phải lúc nào bạn cũng “gặp may” để gặp toàn trượt giá có lợi, nếu gặp phải trượt giá có hại thì lệnh sẽ thua lỗ, thậm chí là cháy tài khoản.
Có mấy loại trượt giá trong forex?
Trong forex, có 2 loại trượt giá đó là trượt giá âm và trượt giá dương
Trượt giá âm

- Khi trader thực hiện lệnh mua, giá kích hoạt cao hơn giá mong muốn sẽ bất lợi cho trader và tỷ lệ thành công thấp hơn dự kiến ban đầu.
- Khi trader thực hiện lệnh bán, giá kích hoạt thấp hơn giá mong muốn sẽ bất lợi cho trader và tỷ lệ thành công thấp hơn dự kiến ban đầu.
Trượt giá dương

- Khi trader thực hiện lệnh mua, giá kích hoạt thấp hơn giá mong muốn sẽ có lợi cho trader và tỷ lệ thành công sẽ cao hơn dự kiến ban đầu.
- Khi trader thực hiện lệnh bán, giá kích hoạt cao hơn giá mong muốn sẽ có lợi cho trader và tỷ lệ thành công cao hơn dự kiến ban đầu.
Nguyên nhân gây ra trượt giá
Về cơ bản, thị trường là nơi diễn ra giao dịch giữa bên mua (cung) và bên bán (cầu) với những sản phẩm có khối lượng, giá cụ thể. Như vậy, cung – cầu phải được cân bằng thì thị trường mới ở trong trạng thái ổn định. Nhưng nếu thị trường bị nghiêng về một phe, giá sẽ tăng lên hoặc giảm xuống khó kiểm soát.
Trong forex, giả sử bạn muốn mua USD/CAD tại mức giá 1.38218 (nghĩa là đổi 1 USD để mua 1.38218 CAD). Nhưng tại thời điểm đó, trên thị trường không ai có nhu cầu bán đô la Canada với giá đó, vì vậy lệnh của bạn sẽ được mua với mức giá gần nhất – giả sử là 1.38378. Như vậy đây là trường hợp trượt giá âm đến 16 pips.
Ngược lại, vẫn ở thời điểm đó nhưng trên thị trường có rất nhiều người muốn bán đô la Canada và lệnh của bạn có thể có cơ hội khớp với mức giá thấp hơn – giả sử là 1.37998. Như vậy, đây là trường hợp trượt giá dương đến 22 pips so với mức giá mong muốn ban đầu.
Làm thế nào để tránh trượt giá bất lợi
Giới hạn mức đòn bẩy
Như các bài phân tích của Đầu Tư Thông Minh, đòn bẩy là con dao hai lưỡi, vừa giúp bạn tăng cơ hội lợi nhuận khi nguồn vốn còn hạn chế, nhưng nó cũng là nguyên nhân khiến thua lỗ cao hơn bởi tính chất lợi nhuận luôn đi kèm rủi ro.
Mặc dù các sàn forex hiện nay đang cung cấp mức đòn bẩy khá cao lên đến 1:1000, 1:2000, 1:3000,… nhưng việc thực hiện giao dịch với đòn bẩy cao sẽ khiến tài khoản chỉ càng nhanh bốc hơi nếu thị trường đi ngược với kỳ vọng. Hơn nữa, hạ thấp đòn bẩy cũng là một trong những yếu tố giúp bạn quản lý nguồn vốn hiệu quả.
Tránh giữ lệnh qua tuần mới
Như đã nhắc đến ở đầu bài viết, vào ngày cuối tuần các tin tức, sự kiện kinh tế – chính trị thường được công bố, mặc dù thị trường forex đóng cửa nhưng diễn biến thị trường vẫn bất ổn theo cả hướng tiêu cực và tích cực, rủi ro rất khó lường.
Sử dụng lệnh chờ
Stop loss là lệnh cắt lỗ mà trader không nên bỏ qua trong bất cứ giao dịch nào, mặc dù trượt giá không ngán một ai, bạn vẫn có thể thua lỗ nhiều hơn thị trường bình thường. Thế nhưng, so với việc không đặt điểm cắt lỗ thì stop loss vẫn giúp bạn giảm thiểu tình trạng trượt giá âm quá mạnh trong trường hợp bạn không kịp trở tay.
Cập nhật tin tức – sự kiện
Bất kể giao dịch nào, cập nhật các tin tức về thị trường tài chính không bao giờ là thừa đối với mỗi trader. Để đạt hiệu quả cao hơn, bạn nên tìm hiểu thời gian các tin tức được công bố như bản tin Nonfarm, thông báo điều chỉnh lãi suất Fed, công bố cuộc họp FOMC hay các tin tức đến từ Bloomberg News,… Ngoài ra, bạn cũng có thể xem mức độ ảnh hưởng của các tin tức tại Forex Factory đối với từng loại tiền tệ cụ thể.
Trong điều kiện bình thường, các cặp tiền tệ có tính thanh khoản cao như EUR/USD và USD/JPY sẽ rất hiếm khi xảy ra tình trạng trượt giá. Nhưng khi xuất hiện các dữ liệu quan trọng, các cặp tiền quốc dân này vẫn có trượt giá nhưng khoảng trống gap sẽ không đáng kể. Vì vậy, bạn có thể cân nhắc giao dịch 2 cặp tiền này
Có nên giao dịch với sàn trượt giá không?
Thực tế, trượt giá là hiện tượng “kiểu gì cũng gặp”, đồng nghĩa với việc bạn không thể đoán trước chính xác sự kiện đó sẽ công bố như thế nào, ví dụ như bản lương phi nông nghiệp Hoa Kỳ sẽ cao hay thấp hơn dự đoán, chính sách QE sẽ tiếp tục thực thi hay cắt bỏ,…
Tuy nhiên, bạn có thể bị trượt giá âm hay vẫn có thể gặp trượt giá dương, nghĩa là trượt giá có thể khiến bạn thua lỗ hoặc giúp bạn tìm kiếm thêm lợi nhuận. Như vậy, câu trả lời có nên giao dịch với sàn trượt giá hay không sẽ phụ thuộc vào phong cách giao dịch và góc nhìn của mỗi trader.
Nếu bạn ưa thích mạo hiểm và giao dịch với thị trường bị trượt giá, bạn có thể giảm thiểu rủi ro bằng những cách tránh trượt giá bất lợi như đã kể trên, để bảo vệ chính mình khi thị trường “rục rịch” bởi tin tức và xu hướng hành động của các trader khác.
Lời kết
Hy vọng với bài viết trên đã giúp bạn nắm rõ về khái niệm trượt giá cũng như những phương pháp tránh trượt giá. Mong rằng bạn đã có sự lựa chọn cho riêng mình khi giao dịch với Slippage. Chúc các bạn thành công trên hành trình trader của mình!