Khi giao dịch forex, không phải lúc nào giá cả thị trường cũng “thuận mua vừa bán” để trader thực hiện các giao dịch của mình. Như vậy, trong trường hợp không thể đặt lệnh trực tiếp với giá thị trường hiện tại thì phải làm sao? Một giải pháp đó chính là sử dụng lệnh chờ, vậy lệnh chờ là gì? Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu đến nhà đầu tư 2 trong 4 loại lệnh chờ trong forex đó là lệnh chờ Buy limit và Sell limit. Hãy theo dõi những kiến thức bên dưới nhé!
Lệnh chờ Buy Limit và Sell Limit là gì?
Trước tiên, để tìm hiểu kỹ hơn về Buy limit và Sell limit, chúng ta phải hiểu về thuật ngữ lệnh chờ. Vậy lệnh chờ là gì? Có bao nhiêu loại lệnh chờ?
Lệnh chờ là gì?
Lệnh chờ (Pending Order) là lệnh mà trader có thể sử dụng để chờ đợi một mức giá kỳ vọng trong tương lai. Nghĩa là khi đặt lệnh chờ, giá sẽ không khớp với giá hiện tại của thị trường, mà sẽ chờ khớp với giá định trước ở tương lai.
Điểm khác biệt cơ bản giữa lệnh chờ và lệnh thị trường (Market Execution) là thời gian khớp lệnh, đối với lệnh thị trường thì khi trader cảm thấy “ưng ý” với mức giá hiện tại sẽ tiến hành mở vị thế, lệnh sẽ được khớp ngay lập tức với mức giá này của thị trường.
Lệnh chờ có 4 loại bao gồm: Buy Limit, Sell Limit, Buy Stop và Sell Stop. Khuôn khổ bài viết sẽ giới thiệu đến các bạn 2 loại lệnh chờ đầu tiên là Buy limit và Sell limit.
Lệnh chờ Buy limit là gì?
Lệnh Buy limit hay còn gọi là lệnh giới hạn mua, là loại lệnh chờ cho phép nhà đầu tư được chờ mua với mức giá thấp hơn giá thị trường hiện tại. Đến khi giá thị trường giảm xuống chạm vào lệnh Buy limit đã đặt, ngay lập tức lệnh sẽ được kích hoạt và tại đó giá đảo chiều, đi theo hướng tích cực thì lúc đóng lệnh bạn sẽ thu được lợi nhuận.

Ví dụ:
- Trader muốn thực hiện lệnh Buy cặp tiền EURUSD
- Giá thị trường hiện tại là 1.17588
- Giá kỳ vọng của trader (giá thị trường sẽ giảm xuống tại đây mới tăng lên trở lại): 1.17088
- Trader sẽ đặt lệnh Buy limit tại mức giá: 1.17088 (giảm 50 pip so với giá thị trường hiện tại)
=> Khi giá thị trường của EURUSD giảm xuống chạm 1.17088 thì ngay lập tức lệnh chính thức được kích hoạt, tại đó giá quay đầu theo chiều tăng, đến một mức nhất định bạn đóng lệnh thì sẽ thu được lợi nhuận.
Lệnh chờ Sell limit là gì?
Lệnh Sell limit hay còn gọi là lệnh giới hạn bán, là loại lệnh chờ cho phép nhà đầu tư được chờ bán với mức giá cao hơn giá thị trường hiện tại. Đến khi giá thị trường tăng lên chạm vào lệnh Sell limit đã đặt, ngay lập tức lệnh sẽ được kích hoạt và tại đó giá đảo chiều đi theo hướng tích cực thì lúc đóng lệnh bạn sẽ thu được lợi nhuận.

Ví dụ:
- Trader muốn thực hiện lệnh Sell đối với cặp EURUSD
- Giá thị trường hiện tại là 1.17609
- Giá kỳ vọng của trader (giá thị trường sẽ tăng lên tại đây mới giảm xuống): 1.18109 (tăng lên 50 pips so với giá hiện tại của thị trường)
=> Khi giá thị trường của EURUSD tăng lên chạm 1.18109 thì ngay lập tức lệnh chính thức được kích hoạt, tại đó giá quay đầu theo chiều giảm, đến một mức nhất định bạn đóng lệnh thì sẽ thu được lợi nhuận.
Ý nghĩa của lệnh chờ Buy limit, Sell limit
Việc xuất hiện của các loại lệnh chờ đều mang một ý nghĩa riêng biệt, nhưng mục đích chính vẫn là mang lại cho nhà đầu tư cơ hội thực hiện lệnh với mức giá mong muốn của mình.
Đối với lệnh chờ Buy limit, nhà đầu tư có thể đặt lệnh tại một mức giá mà theo phân tích và dự đoán là nó sẽ thay đổi, giảm xuống tại đó rồi mới tăng lên trở lại. Bằng cách đặt lệnh Buy limit thì trader vẫn có thể đặt lệnh mà không cần phải mất nhiều thời gian ngồi trước màn hình để chờ đến mức giá đó mới có thể đặt lệnh.
Với lệnh chờ Sell limit cũng tương tự như vậy, nhà đầu tư có thể đặt lệnh tại một mức giá mà theo phân tích và dự đoán là nó sẽ thay đổi, tăng lên tại đó rồi mới giảm xuống trở lại.
Như vậy, với 2 loại lệnh chờ Buy limit và Sell limit, nhà đầu tư có thể “mặc cả” giá với thị trường, thiết lập một mức giá khác theo ý muốn của mình, gia tăng khả năng thu được lợi nhuận cao hơn. Nhưng không phải lúc nào sử dụng lệnh chờ cũng đem lại hiệu quả tốt, bên cạnh những ưu điểm thì lệnh chờ Buy/Sell limit vẫn tồn tại những nhược điểm nhất định.
Ưu nhược điểm của lệnh chờ Buy limit, Sell limit
Ưu điểm | Nhược điểm |
– Trader có thể đặt lệnh với mức giá mong muốn của bản thân. – Không cần phải mất nhiều thời gian ngồi trước màn hình để đợi đến mức giá mình muốn rồi mới đặt. – Tối đa lợi nhuận so với giá thị trường | – Trader phải có khả năng phân tích và phán đoán tình hình thị trường. – Không phải giá cả lúc nào cũng sẽ đi đúng hướng của bạn kỳ vọng, lệnh đôi khi sẽ không được khớp. |
Cách đặt lệnh chờ Buy limit, Sell limit trên MT4
Khi đã hiểu được khái niệm và tính chất của Buy limit và Sell limit, trader cần phải nắm được cách sử dụng, đặt lệnh này trên phần mềm giao dịch, cụ thể là MT4. Dưới đây là hướng dẫn các thao tác đặt lệnh chờ Buy/Sell limit trên MT4, cũng theo dõi bạn nhé!
Bước 1: Lựa chọn cặp tiền tệ hoặc một sản phẩm muốn giao dịch
Trên thanh công cụ, chọn “New Order”

Bước 2: Chọn lệnh chờ
Hộp thoại xuất hiện
Tại type → chọn “Pending Order”

Trong Pending Order trader cần chọn:
- Type: chọn lệnh Buy limit (nếu muốn mua)/Sell limit (nếu muốn bán) cho phù hợp với mong muốn đặt lệnh của mình.
- At price: nhập mức giá mà bản thân trader kỳ vọng, đây sẽ là mức giá khớp lệnh. Mức giá này sẽ thấp hơn giá thị trường nếu bạn đặt Buy limit và cao hơn giá thị trường nếu bạn đặt lệnh lệnh Sell limit.
- Expiry: thiết lập thời gian tự động hủy lệnh. Trong những trường hợp giá thị trường không thể khớp với giá đã đặt thì với mức thời gian bạn đặt lệnh sẽ tự động hủy. Nếu không đặt thời gian, lệnh sẽ đợi đến khi nào khớp mới thôi.
Bước 3: Hoàn thành

Kiểm tra lại một lần nữa các thông tin về khối lượng giao dịch, có cần đặt stop loss hay take profit không. Sau đó, nhấn vào “Place” để đặt lệnh chờ.
Như vậy là bạn đã hoàn thành các bước đơn giản để đặt các lệnh chờ mà không cần phải mất nhiều thời gian “ăn ngủ” với màn hình chỉ để chờ đợi đúng mức giá mà mình mong muốn.
Lời kết
Hy vọng qua bài phân tích trên đây đã giúp bạn hiểu và nắm được bản chất của cặp lệnh chờ Buy limit và Sell limit. Tuy nhiên, đối với lệnh chờ nói chung và Buy/Sell limit nói riêng chỉ đem lại hiệu quả trong một số trường hợp, trader không nên lợi dụng ưu điểm này mà đặt lệnh một cách tùy ý. Điều cần thiết là nên trang bị cho mình thật nhiều kiến thức, cập nhật thị trường và tích lũy kinh nghiệm giao dịch, mới có thể thành công trên hành trình làm trader của mình bạn nhé!